Tín dụng đen là gì? Cách phòng tránh bị lừa vay tín dụng đen

Published:

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều sinh viên do cả tin, ít kinh nghiệm nên bị lôi kéo vào đường dây tín dụng đen mà không hề hay biết. Hậu quả để lại là sự sợ hãi, lo âu và khoản nợ khổng lồ cho bản thân và gia đình. Vậy làm thế nào để nhận biết và phòng tránh bị lừa vay tín dụng đen? Dưới đây là những thông tin cơ bản về tín dụng đen bạn cần biết.

Tín dụng đen là gì?

Dựa theo Luật Tổ chức Tín dụng năm 2010, tín dụng là mối quan hệ giữa bên cho vay và bên đi vay, trong đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho bên đi vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận và với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi.

Tin-dung-den-la-gi

Tại Việt Nam, tín dụng là hoạt động hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. Bên cho vay trong hoạt động tín dụng là các tổ chức như ngân hàng, công ty tài chính… Muốn cung cấp dịch vụ tín dụng phải đăng ký kinh doanh và hoạt động dựa theo luật định.

Luật pháp chưa có khái niệm cụ thể cho tín dụng đen. Tuy nhiên, có thể hiểu Tín dụng đen là hình thức cho vay với lãi suất cao hơn mức quy định của pháp luật, bên cung cấp dịch vụ tín dụng đen là tổ chức, cá nhân không đăng ký hoạt động kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước.

Đặc điểm của vay tín dụng đen là gì?

Tín dụng đen núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên chúng đều có một số đặc điểm chung về thủ tục, hình thức và lãi suất như dưới đây.

Thủ tục cho vay

Dù là hình thức tín dụng đen nào thì thủ tục cho vay đều đơn giản và nhanh chóng. Trường hợp vay ngân hàng, bạn phải chứng minh tài chính, phải có tài sản đảm bảo. 

Với vay tín dụng đen, bạn không phải chứng minh tài chính, không cần tài sản đảm bảo mà tùy vào số tiền vay, bạn chỉ cần thế chấp một số loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, sổ hộ khẩu, thẻ sinh viên, hộ chiếu, thẻ đảng viên, giấy tờ nhà đất… mà thôi.

Việc thỏa thuận cho vay cũng không cần lập hợp đồng với các điều khoản phức tạp. Thỏa thuận cho vay trong tín dụng đen có thể là bản hợp đồng viết tay đơn giản, thậm chí chỉ là thỏa thuận miệng giữa người cho vay và người đi vay. Thời gian làm thủ tục cho vay và giải ngân chỉ từ 10 – 30 phút.

Xem thêm:  Vay tín chấp HSBC: điều kiện vay và thủ tục

Lãi suất cho vay

Lãi suất vay tín dụng đen thường rất cao, cao hơn nhiều lần so với mức giới hạn pháp luật quy định. Thông thường, mức lãi suất sẽ từ 108% – 360%/năm tùy số tiền vay, trong khi mức lãi suất cao nhất theo Luật Dân sự quy định là 20%/năm, lãi suất 1 tháng khoảng 1,66%/tháng.

Lai-suat-cho-vay

Thực tế, bạn chắc chắn đã từng thấy các quảng cáo vay tín dụng đen với nội dung “Cho vay tiền lãi suất 1000đ/triệu/ngày”. Với lãi suất 1000đ/triệu/ngày, lãi suất 1 tháng sẽ là 30.000đ/triệu/tháng, tức 3%/tháng, gấp 2 lần lãi suất cao nhất theo luật định. 

Nếu lãi suất là 2000đ/triệu/ngày, 3000đ/triệu/ngày hay tới 4000đ/triệu/ ngày, tương ứng với 6%/ tháng, 9%/tháng, 12%/tháng, đây là mức lãi suất khổng lồ. Nhiều người bị lừa với con số vài nghìn đồng/ngày mà không biết bẫy lãi suất đằng sau đó. Phương thức cho vay tín dụng đen qua app online thậm chí còn có mức lãi suất cao hơn, tới hàng trăm % một năm.

Hình thức cho vay

Tín dụng đen núp bóng dưới nhiều hình thức cho vay tưởng chừng như an toàn, hợp pháp và lãi suất thấp để lừa con mồi rơi vào bẫy. Người vay sẽ phải ký kết các hợp đồng, thỏa thuận có các điều khoản có lợi cho bên cho vay. Một số điều khoản trong hợp đồng có ràng buộc pháp lý, bên cho vay có quyền nhờ cơ quan nhà nước xử lý hình sự với con nợ.

Để che dấu mức lãi suất khổng lồ, mức lãi suất được thể hiện trong hợp đồng thường khá thấp và hợp pháp. Tuy nhiên, ẩn đằng sau đó là nhiều khoản phí phát sinh như phí tín chấp, phí cho vay, phí quản lý khoản vay… Từ đó, lãi suất thực tế, có thể lên tới vài chục đến hàng trăm phần trăm một tháng.

Biểu hiện của hình thức cho vay tín dụng đen là gì?

Đối tượng mà tín dụng đen nhắm tới thường là người dân nghèo, sinh viên nhẹ dạ, cả tin và đang cần tiền gấp. Tuy nhiên, cách thực hiện tín dụng đen ngày càng tinh vi, ngay cả người khôn ngoan cũng có thể bị sập bẫy. Để nhận biết các hình thức này, bạn có thể dựa vào một số biểu hiện chung dưới đây:

  • Cho vay bất chấp mục đích vay. Họ không quan tâm bạn vay tiền để làm gì, sử dụng tiền đó như thế nào, miễn là bạn có nhu cầu là sẽ được vay ngay.
  • Không có thời hạn cho vay và thời hạn trả lãi cố định, lãi suất tính theo ngày, có thể trả lãi 10 ngày/ lần hoặc 1 tháng/lần. Lãi suất tháng đầu thường được khấu trừ ngay vào khoản vay.
  • Người vay không cần chứng minh tài chính, không cần thế chấp tài sản. Trong thỏa thuận cho vay thường sẽ có điều khoản chung chung là “Quá thời hạn nếu không trả được nợ thì bên cho vay có quyền thu hồi nhà, đất, tài sản của bên vay”.
  • Trong hợp đồng cho vay, thỏa thuận cho vay không ghi rõ ràng lãi vay, mục đích vay, thời hạn vay, thời hạn trả lãi… Những nội dung này thường sẽ được ghi ngắn gọn, chung chung như vay để chữa bệnh, vay để giải quyết việc gia đình, vay để làm ăn, vay để trả nợ…
  • Hợp đồng, thỏa thuận cho vay thường chỉ có 1 bản và bên cho vay giữ.
Xem thêm:  Phí thường niên là gì? Quy định phí thường niên ngân hàng năm 2024

Bieu-hien-cua-hinh-thuc-cho-vay-tin-dung-den-la-gi

Nếu con nợ không có tiền trả lãi, trả nợ, chủ nợ sẽ tiến hành các biện pháp đòi nợ theo “luật giang hồ” như:

  • Thuê “xã hội đen” tìm gặp con nợ để đe dọa, lăng mạ, đánh đập
  • Thuê người mang băng rôn, khẩu hiệu đến nhà riêng, nơi ở, cơ quan con nợ để gây áp lực.
  • Đe dọa, đánh đập, bắt cóc bạn bè, người thân của con nợ 
  • Cưỡng chế, ép buộc con nợ ký kết bản hợp đồng, thỏa thuận không công bằng.
  • Gửi tin nhắn, tin nặc danh đe dọa, tố cáo đến con nợ, người thân con nợ và cơ quan con nợ.
  • Gọi điện liên tục để đe doạ người vay tiền. 

Các hình thức cho vay tín dụng đen phổ biến

Muốn phòng tránh bị lừa cho vay tín dụng đen, bạn cũng cần tìm hiểu và cập nhật thông tin về hình thức hoạt động của hình thức này. Dưới đây là một số hình thức tín dụng đen phổ biến nhất hiện nay.

Ứng dụng cho vay

Đây là hình thức tín dụng đen phát triển nhất hiện nay. Người dùng chỉ cần tải app về điện thoại di động, tạo tài khoản và cung cấp các thông tin cá nhân, ảnh chụp CMND/CCCD là tiền sẽ được chuyển về tài khoản ngân hàng. Thủ tục cho vay nhanh chóng, dễ dàng, cho vay mọi lúc mọi nơi.

ung-dung-cho-vay

Ngoài ra, các ứng dụng còn có thể yêu cầu người vay cung cấp các thông tin cá nhân, số điện thoại của người thân và bạn bè, thậm chí cả ảnh/video khỏa thân của mình để làm điều kiện vay tiền. Nếu người vay không thể trả nợ, chúng sẽ gọi điện tấn công, đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc tung video lên mạng để ép con nợ phải trả cả gốc lẫn lãi.

Dịch vụ tư vấn tài chính

Các dịch vụ tư vấn tài chính, hỗ trợ tài chính nghe có vẻ “cao cấp, uy tín” thực chất lại là tín dụng đen trá hình. Chúng nhắm vào những người cần tiền gấp, muốn vay tiền nhanh chóng. 

Người vay chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc một số giấy tờ có giá trị khác là có thể vay tiền. Khi vay, người vay buộc phải thế chấp đồ vật có giá trị và được nhận lại số tiền vay ít hơn mong đợi vì lãi 1 tháng đầu tiên bị trừ thẳng vào khoản vay này, chưa kể một số loại “phí dịch vụ” khác.

Xem thêm:  Thị phần là gì? Tại sao phải xác định thị phần?

Cho vay tín dụng đen bị phạt như thế nào?

Hoạt động cho vay tín dụng đen là bất hợp pháp, tùy vào mức độ vi phạm sẽ chịu các khung hình phạt khác nhau. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể chịu mức vi phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay tín dụng trái phép và hành vi cho vay nặng lãi.

Theo Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền với lãi suất vượt quá giới hạn lãi suất quy định trong Bộ Luật Dân sự.
  • Thực hiện cho vay tín dụng khi không đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự với lãi suất vượt quá quy định Bộ Luật Dân sự.

Cho-vay-tin-dung-den-bi-phat-nhu-the-nao

Cá nhân, tổ chức cho vay tín dụng đen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 của Bộ Luật Hình sự về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tùy vào mức độ vi phạm và số tiền thu lợi bất chính, cá nhân hoặc tổ chức có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc ngồi tù từ 1 đến 5 năm. Cụ thể như sau:

  • Người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên tỷ lệ lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự (20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về tội này hoặc đang bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích lại tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
  • Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng cho đến 3 năm.
  • Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng tới 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cho vay tín dụng đen vẫn đang phát triển với các hình thức ngày càng tinh vi hơn. Chúng lợi dụng công nghệ, xây dựng các app vay tiền dễ dàng, quảng cáo và seeding rầm rộ trên internet, website và mạng xã hội. Bạn cần cảnh giác và theo dõi tin tức thường xuyên để tránh xa, không bị lôi kéo vào đường dây này.

Công Danh
Công Danhhttps://vncb.vn
Công Danh chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chuyên chia sẻ các cách để vay tiền hay những phân tích liên quan tới tình hình thị trường tài chính, chứng khoán, tiền điện tử...

Tin tức HOT