Bắt đầu từ 1/1/2022, một nghị định mới liên quan đến cho vay nặng lãi bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, mức phạt tội cho vay nặng lãi sẽ tăng từ 5 – 15 triệu đồng lên 10 – 20 triệu đồng. Cùng tìm hiểu rõ hơn về quy định mới này trong bài viết dưới đây.
Bằng chứng cho vay nặng lãi
Gần đây, nhiều vụ việc cho vay nặng lãi núp bóng dưới các hình thức cho vay tiền nhanh đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Điều đáng nói, chúng được quảng cáo công khai trên khắp các mạng xã hội khiến nhiều người bị lừa.
Hình thức cho vay nặng lãi
Trước đây, cho vay nặng lãi chỉ thường tổ chức dưới hình thức tiệm cầm đồ hoặc do các nhóm “xã hội đen” cho vay. Hành vi này mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình người đi vay và cả xã hội. Thậm chí, từ tội cho vay nặng lãi còn phát sinh những tội khác như tội bắt cóc, tội chiếm đoạt tài sản, tội cố ý gây thương tích, tội giết người…
Tuy nhiên, hiện nay các hình thức cho vay nặng lãi phát triển đa dạng trên nhiều nền tảng khác nhau, thậm chí núp bóng dưới các hình thức hợp pháp khác. Một số hình thức phổ biến, dễ bị lừa như cầm đồ, vay nóng lãi cao, vay qua ứng dụng di động, tìm việc làm lương cao…
Những hình thức này có thủ tục cho vay nhanh chóng, dễ dàng với số tiền lớn mà không phải thế chấp tài sản đảm bảo. Điều này khiến mọi người khó đề phòng, dễ bị lừa vào con đường tội lỗi; các cơ quan nhà nước khó tìm kiếm bằng chứng cho vay nặng lãi để kết tội những đối tượng có liên quan.
Mức lãi suất cho vay nặng lãi
Để phòng tránh việc tham gia vào đường dây cho vay nặng lãi mà không biết, bạn cần hiểu rõ thế nào là cho vay nặng lãi. Hiện tại, nước ta chưa có luật cho vay nặng lãi riêng biệt, dựa theo Bộ luật dân sự 2015, lãi suất cho vay được thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp quy định luật khác có liên quan.
Như vậy, lãi suất vay hợp pháp 1 năm là 20%/năm, 1 tháng là 20%/12 = 1,6666%/tháng. Nếu người nào cho vay với lãi suất vượt quá mức này nghĩa là cho vay nặng lãi. Nếu bạn muốn vay tiền mà người cho vay đưa ra mức lãi suất vượt quá 20%/năm thì bạn nên cẩn thận, tránh xa đường dây cho vay nặng lãi này.
Các mức xử phạt cho vay nặng lãi
Muốn xác định mức xử phạt cho vay nặng lãi phù hợp, trước hết cần xác định rõ cho vay với mức lãi suất như thế nào là hành vi cho vay nặng lãi.
Hành vi cho vay nặng lãi
Hành vi cho vay nặng lãi là việc cho vay với mức lãi suất cho vay vượt quá giới hạn theo quy định trong Điều Điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Việc cho vay vượt mức lãi suất quy định bị coi là hành vi cho vay nặng lãi, chưa đủ cơ sở để cấu thành tội cho vay nặng lãi.
Cũng dựa theo quy định Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp các bên có tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản, mức lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất cho phép sẽ không có hiệu lực. Như vậy, khi có tranh chấp, phần lãi suất vượt quá 20%/năm và quá 1,6666%/ tháng sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự
Việc cho vay với lãi suất lớn hơn mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự chỉ là một trong những điều kiện cấu thành tội cho vay nặng lãi mà thôi. Để cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
- Thứ nhất, hành vi cho vay với mức lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự.
- Thứ hai, hành vi cho vay nặng lãi thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã từng bị xử phạt hành chính vì hành vi này hoặc đang bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm.
Các mức phạt tương ứng với tội cho vay nặng lãi
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 thay thế cho Nghị định 167, có 3 trường hợp tội cho vay nặng lãi bị phạt nặng từ 10 – 20 triệu đồng như sau:
- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản với mức lãi suất vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Không đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà tự ý cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản với mức lãi suất vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Lợi dụng tổ chức họ để cho vay nặng lãi với mức lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Tội cho vay nặng lãi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Xử phạt hành chính cho vay nặng lãi không phải mức xử phạt duy nhất cho tội cho vay nặng lãi. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả hành vi vi phạm, tội cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cấu thành tội hình sự.
Các trường hợp cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, một số trường hợp cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm:
Trường hợp thứ nhất, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, số tiền thu lợi bất chính trong mỗi lần phạm tội từ 30 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi lần phạm tội chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, người phạm tội còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên” theo Bộ luật Hình sự.
Trường hợp thứ hai, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, mỗi lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Các hành vi chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”.
Trường hợp thứ ba, đối với những trường hợp vi phạm như sau:
- Người đã thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có 1 lần cho vay lãi nặng thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng và hành vi này chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự
- Các hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng chưa bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hạn hiệu lực xử phạt hành chính
Người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tổng số tiền thu lợi bất chính, không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”.
Trường hợp thứ 4, người cho vay nặng lãi thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến đòi nợ như đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, cướp tài sản, chiếm đoạt tài sản, gây tổn hại sức khỏe… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội.
Trường hợp thứ năm, người cho vay nặng lãi nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính nhưng dưới 30 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính họ nhằm đạt được.
Quy định trách nhiệm hình sự với tội cho vay nặng lãi
Việc cho vay vượt quá mức lãi suất 20%/năm được coi là hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, việc này chưa đủ điều kiện để cấu thành tội cho vay nặng lãi. Chỉ người nào cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên với mức lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định thì mới phạm tội cho vay nặng lãi. Các mức phạt quy định theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Khung hình phạt thứ nhất, đối với những người:
- Cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật dân sự quy định, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
- Đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay nặng lãi hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm.
Những trường hợp trên bị phạt tiền từ 50 triệu đồng – 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Khung hình phạt thứ hai, phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt thứ 3, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, với hành vi cho vay nặng lãi nhằm thu lợi bất chính nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu nhưng dưới 30 triệu đồng, hình phạt được áp dụng theo điều 15 khoản 3 điều 57 Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt được như sau:
- Hình phạt tương ứng theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ thực hiện ý định phạm tội và tình tiết khác khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng.
- Trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được áp dụng theo khung hình phạt được quy định trong điều luật cụ thể.
- Trường hợp phạm tội chưa đạt, mức phạt cao nhất không quá ba phần tư mức phạt tù theo luật định, tức không quá 2 năm 3 tháng tù giam.
Trên đây là những cập nhật mới nhất về quy định của pháp luật liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi, tội cho vay nặng lãi và các mức hình phạt tương ứng. Để tránh rơi vào đường dây cho vay nặng lãi mà không hề hay biết, bạn cần đề cao cảnh giác, cập nhật các thông tin mới nhất đề biết đâu là hình thức cho vay nặng lãi trá hình để tránh xa nhé.