Tiền đóng bảo hiểm xã hội chiếm khoảng hơn 10% thu nhập hàng tháng của người lao động, tuy vậy rất nhiều người không hiểu về loại bảo hiểm này mà bỏ qua nhiều quyền lợi cho bản thân. Vậy, bảo hiểm xã hội là gì? Cùng VNCB đi tìm hiểu các thông tin mà bạn cần biết về loại bảo hiểm này nhé!
Bảo hiểm xã hội là gì?
Khái niệm bảo hiểm xã hội (BHXH) được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc mất đi, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Chức năng của bảo hiểm xã hội
Trên thực tế, rất nhiều người lao động chỉ quan tâm tới số tiền thực tế nhận được hàng tháng là bao nhiêu mà không xem xét kĩ đến việc hàng tháng công ty trích lại bao nhiêu % lương để đóng các loại bảo hiểm: BHXH, BHYT, BHTN. Một số khác còn không muốn tham gia BHXH vì cho rằng mức đóng BHXH khá cao và không muốn bị trích tiền trong phần lương của mình để có thêm tiền chi tiêu trong tháng.
Chính vì nhận thức đó sẽ khiến bạn mất đi những quyền lợi đáng có mà BHXH đem lại. Vậy, thực chất đóng BHXH để làm gì?
BHXH giúp bù đắp và đảm bảo thay thế đi sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp những rủi ro trong cuộc sống như: ốm đau, tai nạn, thai sản, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Phân loại bảo hiểm xã hội
Căn cứ vào điều luật Bảo Hiểm xã hội năm 2014 thì BHXH được phân thành hai loại: BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.
BHXH tự nguyện
Đây là loại hình mà Nhà nước tổ chức, người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương pháp đóng phù hợp với tài chính của mình.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia đóng tiền BHXH để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ theo điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động: mức đóng hàng tháng là 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhấp bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Các phương thức đóng như sau: hàng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, một lần cho nhiều năm về sau với mức đóng hàng tháng hoặc một lần cho những năm còn lại với mức cao hơn mức đóng hàng tháng so với quy định.
BHXH bắt buộc
Là loại bảo hiểm cũng do Nhà nước tổ chức và bắt buộc người lao động và người sử dụng phải tham gia.
BHXH bắt buộc gồm các chế độ được hưởng như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.
Mức đóng BHXH bắt buộc
Tỷ lệ trích BHXH bắt buộc hiện nay là 22,5%. Trong đó: Người sử dụng lao động đóng 17,5% và người lao động đóng 8%.
Ngoài khoản BHXH bắt buộc thì người lao động được quyền tham gia vào các khoản bảo hiểm khác như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tỷ lệ như sau:
- BH y tế: Người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 1,5%
- BH thất nghiệp: Người sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1%
Thêm nữa, doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở sẽ phải đóng 2% kinh phí công đoàn cho liên đoàn lao động của quận, huyện trên địa bàn.
Tóm lại, vào hàng tháng thì doanh nghiệp (người sử dụng lao động) sẽ phải đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động gồm: BHXH, BH y tế, BH thất nghiệp là: 21,5% và người lao động chịu 10,5%.
Khi người lao động ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động sẽ có sổ BHXH. Sổ BHXH là sổ ghi chép lại quá trình làm việc, đóng và được hưởng BHXH làm căn cứ để giải quyết các chế độ cho người tham gia.