Nắm được lợi ích của việc đặt mục tiêu, biết cách đặt mục tiêu hiệu quả là một chuyện, nhưng để áp dụng hiệu quả lại là một vấn đề khác. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu rõ về những mục tiêu của bản thân đã.
Đạt được mục tiêu tài chính dựa trên yếu tố thời gian: Dài hạn, ngắn hạn
Khi bạn đầu tư với mục tiêu, một nhân tố để định hướng cho kế hoạch của bạn chính là kỳ hạn của mục tiêu. Độ dài của quãng thời gian bạn muốn đạt được mục tiêu sẽ quyết định việc bạn sẽ chọn đầu tư vào loại tài sản nào
Hơi khó hiểu đúng không? Ví dụ nhé: Nếu bạn cần tiền nhanh trong khoảng ít hơn một năm tới để mua một con xe mới chẳng hạn. Bạn quyết định đi “đánh chứng”, chọn một mã cổ phiếu “nghe chừng” ổn định, với hi vọng đạt được một quả “vớ bẫm” để nhanh chóng đạt được thành quả.
Nhưng xui thay, thị trường rơi vào trạng thái ảm đạm suốt nhiều tháng, và thế là con xe của bạn tự dưng bị lùi tiến độ. Thời điểm dự kiến “rửa xe” thì mới bắt đầu lại. Khi đó bạn mới vỡ lẽ rằng có thể cổ phiếu mà bạn chọn có vẻ không hợp với dự kiến của mình lắm.
Vậy nên, cần xác định rõ mục tiêu của bạn sẽ theo kì hạn nào. Từ đó, bạn mới biết được rằng bạn nên đầu tư vào cái gì – cổ phiếu hay trái phiếu …v..v…. Đây là một yếu tố tối quan trọng trong quá trình thiết lập mục tiêu
Chúng ta có thể chia thành ba kì hạn chính:
Ngắn hạn: 1-3 năm hoặc ngắn hơn
Cốt lõi: Thu về lợi nhuận quan trọng hơn là khả năng sinh lời. Bạn không có nhiều thời gian đâu, cần thu về tiền dễ nhất có thể chứ không phải hi vọng mờ mịt “có khả năng sinh lời trong tương lai”.
Lời khuyên:
- Quỹ tiền tệ, các chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu hoặc trái phiếu ngắn hạn là thích hợp nhất
- Sẵn sàng kiến thức, vì đầu tư ngắn hạn cần phân tích kĩ thuật, chuyên môn cao
- Giao dịch với số lượng lớn, tần suất lớn
- Chuẩn bị tinh thần để nhịp tim “lên xuống” cùng sóng thị trường, vì chỉ cần một phút sơ sẩy cũng sẽ phải trả giá đắt
Dài hạn: Hơn 6 năm
Cốt lõi: Thời gian là vàng bạc. Chỉ cần có sự kiên nhẫn, “giữ tâm trong sạch” không bị ảnh hưởng bởi “phù du” lên xuống nhất thời thì sẽ đạt được từ lúc nào không hay. Trung bình giá chính là bạn đồng hành đắc lực nhất của bạn
Lời khuyên:
- Lựa chọn những cổ phiếu ổn định, hoặc các công ty quản lý quỹ hay quỹ tương hỗ sẽ giúp bạn.
- Dành thời gian để tìm hiểu về những cổ phiếu mà bạn định đầu tư, hãy chắc chắn rằng những doanh nghiệp đó đang hoạt động tốt và ổn định
- Quan trọng là chữ “Nhẫn”. Lợi nhuận không đến ngay đâu, từ từ rồi mới có kết quả
- Sóng to sóng nhỏ trên thị trường cứ bình tâm. Quan trọng là về lâu về dài
Trung hạn: 4 đến 6 năm
Cốt lõi: Cân bằng, sẵn sàng ngả về bất cứ hướng nào nếu có lợi.
Lời khuyên:
- Nên linh động. Sẵn sàng chuyển sang rủi ro cao hơn nếu thấy mục tiêu đang có cơ hội hơn để hoàn thành trước hạn. Nếu không nên giữ kiên nhẫn giống dài hạn
Đạt được mục tiêu tài chính dựa trên nhu cầu “cần” và “muốn”
Không ai đánh thuế ước mơ cả, vậy nên cứ mơ tẹt ga đi. Một số mơ ước của bạn có thể trở thành những mục tiêu trong cuộc sống; một số khác sẽ có vẻ hơi … phi thực tế, và có thể đến từ những mong muốn nhất thời. Nhưng bạn vẫn có thể đạt được những điều đó đấy. Quan trọng là bạn phải phân loại được giữa Cần và Muốn.
Mục tiêu “Cần”: Nghỉ hưu, Tiền học cho con trong mấy năm tới, Chuẩn bị mua nhà để ổn định …
Đặc điểm: Thất bại không phải là lựa chọn. Bạn và/hoặc gia đình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu mục tiêu này thất bại, hoặc chậm tiến độ.
Lời khuyên:
- Hạn chế các khoản đầu tư quá rủi ro nếu mục tiêu “cần” này đang ở quá gần.
- Có sự ưu tiên cho những mục tiêu đang gần sát với hiện tại hơn
Mục tiêu “Muốn”: Du lịch, Có xe rồi muốn xe to hơn, mua thêm căn nhà nữa …
Đặc điểm: Chậm tiến độ? Miễn sao đạt kết quả là được. Thu hẹp ngân sách? Lấy tiền ra làm việc khác. Khó quá không chịu nổi nhiệt? Thôi em xin dừng cuộc chơi tại đây. Với những mục tiêu này thì bạn có thể thoải mái.
Lời khuyên:
- Có thể chấp nhận các hình thức rủi ro cao nếu số tiền yêu cầu không quá lớn hoặc những mong muốn này còn ở xa tít tắp
- Sẵn sàng ngậm ngùi “bỏ rơi” những khoản này nếu có một “mục tiêu Cần” sắp đuổi kịp
- Hạ ngân sách nếu cần. Không đi du lịch châu Âu thì du lịch trong khu vực rồi dành ra ít tiền làm việc khác khéo lại hay.
Bạn đã thực sự có mục tiêu tài chính chưa?
Thực hiện đúng những quy tắc để xây dựng mục tiêu hiệu quả, hẳn hiện tại bạn đã có một danh sách vài mục tiêu sẵn có. Giờ, để thực hiện được chúng, bạn cần phân loại những mục tiêu đó vào hai loại kể trên. Thử một ví dụ nhé:
Lộ trình của bạn đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều rồi đúng không? Đây chỉ là một ví dụ. Bây giờ, bạn hãy bắt đầu tự thêm những mục tiêu của mình, lên ngân sách cho các mục tiêu này, và bắt đầu lựa chọn các kênh để đầu tư. Nếu bạn đã có kiến thức thì bắt tay vào làm là vừa kịp. Còn nếu bạn vẫn còn mù mờ về đầu tư, tốt nhất hãy đến gặp những chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp để được giúp đỡ. Tiện lợi hơn là rất nhiều ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) hiện nay như VNCB, Savy, … đều có tính năng hỗ trợ quản lý tiền và đầu tư theo mục tiêu. Đối với những ai không có nhiều thời gian cũng như kiến thức, thì đây là những lựa chọn hàng đầu.
Một số lưu ý:
- Việc này không phải chỉ ngày một ngày hai là xong đâu. Bạn có thể sẽ tốn thời gian, và đừng ngại “tham vấn” người thân và gia đình liên quan. Bạn sẽ cần những sự trợ giúp đó để có thể nhận biết đúng nhất về những mục tiêu này thay vì để cảm quan cá nhân định đoạt
- Các mục tiêu không phải lúc nào cũng chịu được cùng một mức rủi ro. Có những mục tiêu sẽ để lại hậu họa khôn lường nếu không đạt được. Giả sử bạn bị “về hưu sớm” mà “xây dựng quỹ dự phòng” chưa đạt được thì hơi bị kinh khủng đấy.
- Cẩn thận, đầu tư theo mục tiêu chỉ là cách thực hiện. Thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa. Không có gì đảm bảo 100% bạn sẽ đạt được mục tiêu hoàn toàn. Hãy nhớ nhé, trong đầu tư tài chính, không có đảm bảo về lãi suất. Nếu có bên nào khác ngoài ngân hàng cam kết lãi suất xxx% một tháng, hãy coi chừng, có thể đó là “cú lừa” đấy