Chi phí cơ hội là mức phí mà bạn nhất định phải trả dù chọn bất kỳ phương án nào. Nó thường được sử dụng để giúp mọi người đưa ra phương án đầu tư, kinh doanh hay bất kỳ quyết định nào trong cuộc sống. Vậy chi phí cơ hội là gì? Ý nghĩa và cách áp dụng như thế nào? Cùng VNCB làm rõ vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Chi phí cơ hội là gì?
Chi phí cơ hội được định nghĩa là lợi ích mất đi của sự lựa chọn tốt nhất bị bỏ lỡ. Trong bất kỳ quyết định nào đều có chi phí cơ hội vì khi chọn quyết định đó, bạn sẽ bỏ qua lựa chọn khác.
Chi phí cơ hội được xác định dựa trên nguồn lực khan hiếm. Trong trường hợp này, bạn bắt buộc phải đánh đổi, chọn cái này và bỏ qua cái khác. Chi phí cơ hội khi bạn lựa chọn một phương án là phần giá trị bị bỏ qua khi bạn chọn phương án đó và bỏ qua phương án tốt nhất khác. Giá trị này không nhất định phải là giá trị kinh tế mà còn là những giá trị khác như tinh thần, văn hóa…
Ví dụ: Xã A quyết định xây một trường mẫu giáo ở khu đất trống bên cạnh trụ sở ủy ban. Khi chọn xây trường mẫu giáo, chính quyền xã A đã bỏ qua các sự lựa chọn khác gồm xây dựng bãi đỗ xe, bán đất ở cho người dân và bán đất cho doanh nghiệp xây siêu thị. Chi phí cơ hội trong trường hợp này có thể là lợi ích thu được khi thực hiện 1 trong 3 dự án trên mà chính quyền xã A đã bỏ lỡ.
Mặc dù chi phí cơ hội xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế nhưng nó có thể được vận dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống. Đây là khái niệm hữu ích trong lý thuyết lựa chọn. Dựa vào khái niệm này, bạn có thể đưa ra lựa chọn tốt và hiệu quả hơn.
Chi phí cơ hội có ưu và nhược điểm gì?
Phương án tính toán, cân đo đong đếm nào cũng có ưu nhược điểm riêng, chi phí cơ hội cũng vậy. Hiểu rõ điều này giúp bạn ứng dụng chi phí cơ hội đúng cách và hiệu quả nhất.
Ưu điểm của chi phí cơ hội
– Giúp bạn nhận thức được cơ hội bị mất: Chi phí cơ hội buộc bạn phải cân nhắc giá trị thực tế, chọn phương án này sẽ đánh mất giá trị của phương án khác. Điều này giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt và có lợi hơn.
Ví dụ: Bạn có 10 triệu đồng, bạn phân vân không biết nên gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 1 năm hay đầu tư chứng khoán. Chi phí cơ hội sẽ là số tiền lãi ngân hàng nếu bạn chọn đầu tư chứng khoán, ngược lại nó sẽ là lợi nhuận chứng khoán nếu bạn chọn gửi tiết kiệm.
– Giúp bạn so sánh giá trị tương đối của từng lựa chọn: Tính chi phí này giúp bạn so sánh dược lợi ích tương đối giữa các sự lựa chọn và cuối cùng đưa ra quyết định phù hợp.
Ví dụ: Bạn chỉ còn đủ tiền mua 1 loại cổ phiếu hoặc là cổ phiếu ngân hàng A hoặc là cổ phiếu ngân hàng B. Với số tiền đó bạn có thể mua 500 cổ phiếu ngân hàng A nhưng lại mua được 700 cổ phiếu ngân hàng B.
Như vậy, chi phí cơ hội giúp bạn đưa ra so sánh tương đối giữa các sự lựa chọn, đánh giá được lợi ích bị mất và đưa ra lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế bạn nên cân nhắc khi sử dụng.
Nhược điểm của chi phí cơ hội
- Thời gian: Để tính toán chi phí cơ hội, cần thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu, xem xét, so sánh nhiều vấn đề khác nhau. Trường hợp bị hạn chế thời gian, không đủ để suy xét, tính toán, so sánh các sự lựa chọn thì không thể ứng dụng chi phí này được.
- Khó xác định chi phí kế toán: Chi phí cơ hội là chi phí ở tương lai, khó định lượng kế toán. Mục chi phí này cũng không được đưa vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
Cách tính chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội sẽ được tính theo công thức sau:
OC = FO – CO
Trong đó:
- OC: Chi phí cơ hội
- FO: Lợi nhuận mà sự lựa chọn hấp dẫn nhất đem lại
- CO: Lợi nhuận mà lựa chọn của bạn đem lại.
Để hiểu hơn về cách tính chi phí cơ hội, hãy cùng tìm hiểu ví dụ dưới đây:
Ông A có 100 triệu và đang cân nhắc giữa 2 lựa chọn đầu tư:
- Đầu tư chứng khoán với lợi nhuận ước tính khoảng 10%. Như vậy, sau 1 năm, ông A sẽ có thể kiếm được lợi nhuận là 10 triệu nhờ vào sự lựa chọn này.
- Đầu tư trang thiết bị sản xuất mới, lợi nhuận 8%. Tức là ông A sẽ có lợi nhuận 8 triệu nhờ mua mới tài sản cố đinh.
Giả sử ông A chọn phương án đầu tư tài sản cố định, chi phí cơ hội trong trường hợp này sẽ được tính như sau:
OC = FO – CO = 10 – 8 = 2 triệu đồng.
Chi phí cơ hội có ý nghĩa gì?
Chúng ta phải đưa ra nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống, đơn giản như Hôm nay ăn gì, Mua cái áo màu xanh hay màu đen… hoặc các vấn đề lớn như Đầu tư vào mã cổ phiếu A hay B, Lựa chọn phương án kinh doanh A hay B… Bằng cách tính chi phí cơ hội cho các sự lựa chọn này, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra quyết định tốt nhất.
Trong kinh doanh, ai cũng muốn tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có để mang lại kết quả cao nhất. Tính chi phí cơ hội giúp doanh nghiệp so sánh được lợi ích nhận được và mất đi khi lựa chọn phương án này và bỏ qua phương án khác. Từ đó, doanh nghiệp chọn được phương án kinh doanh mang lại lợi ích cao nhất.
Trong cuộc sống, nếu cứ chần chừ không lựa chọn, bạn vừa mất thời gian, mất công sức mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt khác. Tính chi phí cơ hội giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng.
Chi phí cơ hội và chi phí chìm khác nhau như thế nào?
Chi phí cơ hội và chi phí chìm đều được tính toán trong việc lựa chọn phương án kinh doanh. Do đó, một số người sẽ bị nhầm lẫn giữa 2 loại chi phí này. Để đưa ra quyết định chính xác, bạn cần phân biệt rõ ràng 2 loại chi phí:
Tiêu chí | Chi phí chìm | Chi phí cơ hội |
Định nghĩa | Là chi phí đã phát sinh, không thể thu hồi dù bạn chọn bất kỳ phương án nào. | Là phần giá trị bạn bị mất khi lựa chọn phương án này và bỏ qua phương án tốt nhất khác. |
Tính chất | Rõ ràng, cố định | Khó xác định |
Tính toán | Vì là chi phí đã phát sinh nên có thể tính toán chính xác. | Vì chưa phát sinh nên không thể tính toán chính xác, chỉ là con số ước lượng tương đối mà thôi. |
Báo cáo | Được ghi vào bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp | Không được ghi vào bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp |
Vai trò | Vì nó phát sinh trước khi đưa ra quyết định nên không được lấy làm cơ sở để ra quyết định kinh doanh. | Là phương pháp hữu ích giúp đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả. |
Bạn có thể tính chi phí cơ hội theo công thức:Cách tính chi phí cơ hội
OC = FO – CO
Trong đó:
- OC là chi phí cơ hội
- FO là giá trị nhận được cho phương án tốt nhất bị bỏ lỡ
- CO là giá trị nhận được cho phương án được lựa chọn.
Khi tính chi phí cơ hội bạn cần lưu ý rằng, chi phí cơ hội là chi phí của phương án tốt nhất bị bỏ lỡ, không phải của tất cả các phương án bị bỏ lỡ. Lý do là vì bạn không thể thực hiện nhiều phương án cùng lúc với cùng nguồn lực hạn chế được.
Ví dụ: Chị B có một ngôi nhà ở phố hàng Bông, có 3 sự lựa chọn để sử dụng ngôi nhà này.
- Thứ nhất, chị B trực tiếp bán quần áo tại ngôi nhà này, lợi nhuận mỗi tháng được ước tính là 50 triệu đồng.
- Thứ hai, chị B cho thuê cửa hàng bán quần áo, mỗi tháng 30 triệu đồng và đi làm công ty mỗi tháng nhận lương 10 triệu đồng.
- Thứ ba, chị B cho thuê để làm siêu thị, mỗi tháng được 30 triệu đồng và không đi làm.
Giả sử chị B chọn phương án thứ 2, cho thuê cửa hàng bán quần áo và đi làm nhận lương, chị B sẽ bỏ qua phương án tốt nhất là trực tiếp bán quần áo thu lợi nhuận. Khi đó, FO là 50 triệu đồng, CO là 40 triệu đồng và chi phí cơ hội sẽ là: OC = FO – CO = 50 – 40 = 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, chi phí cơ hội không nhất thiết chỉ là chi phí kinh tế mà còn nhiều yếu tố vô hình khác như cảm xúc, cơ hội, văn hóa… Điều này dẫn tới trường hợp, một sự lựa chọn có giá trị kinh tế lớn hơn nhưng chi phí cơ hội lại nhỏ hơn.
Cùng trong ví dụ của chị B như trên, nếu chị B ở nhà bán hàng sẽ được làm công việc mình yêu thích, có thêm nhiều kinh nghiệm kinh doanh shop quần áo, kinh nghiệm quản lý… Còn nếu chị B cho thuê nhà và đi làm, chị B phải làm công việc không yêu thích và phải lo lắng kiểm tra tình trạng ngôi nhà thường xuyên. Nếu tính theo trường hợp này, phương án 1 có vẻ khả thi hơn.
Tuy nhiên, hầu hết chi phí cơ hội khó tính toán chính xác và khó so sánh vì nó là chi phí tương lai, chưa phát sinh. Do đó, người ta thường sử dụng dưới dạng tương đối, nghĩa là so sánh lựa chọn này tương quan với lựa chọn khác.
Bí quyết để nắm bắt cơ hội trong cuộc sống
Việc xác định chi phí cơ hội được thực hiện khi bạn phải lựa chọn giữa nhiều phương án. Muốn xác định đúng chi phí cơ hội để nắm bắt cơ hội trong cuộc sống, có một số bí quyết như sau:
Cân nhắc kỹ trong mọi vấn đề
Trong cuộc sống, nhiều khi bạn phải lựa chọn giữa những cơ hội đến cùng một lúc. Khi đó, bạn cần sự tỉnh táo để tính toán chi phí cơ hội và xem xét đến sự phù hợp của nó với khả năng hiện tại của bạn. Không phải cứ là cơ hội tốt nhất thì phải nắm bắt ngay, cơ hội tốt phải đi kèm với khả năng thực hiện của bạn nữa.
Hiểu rõ mình muốn gì
Để nắm bắt được cơ hội tốt trong cuộc sống, điều bạn nhất định phải làm là xác định rõ mục tiêu của bản thân là gì. Mục tiêu sẽ là kim chỉ nam giúp bạn tìm ra đâu là cơ hội phù hợp và nắm bắt nó ngay lập tức. Nếu không có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ bị mắc kẹt, phân vân không biết nên chọn cái nào và để cơ hội đó vụt mất.
Tính toán chi phí cơ hội
Tính toán chi phí cơ hội giúp bạn dễ dàng so sánh ưu nhược điểm của từng cơ hội và đưa ra quyết định nhanh chóng, nắm bắt kịp thời cơ hội đó không để nó vụt mất. Việc tính toán này đưa cho bạn hình dung rõ ràng hơn về những điều bạn nhận được và mất đi giữa các phương án và biết đâu là cái tốt nhất để lựa chọn.
Trên đây là tất cả thông tin khái quát nhất về khái niệm và cách tính chi phí cơ hội. VNCB tin rằng, với những thông tin này, bạn đã có thể tính toán được chi phí cơ hội cho các sự lựa chọn của mình và đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Bạn hãy vận dụng nó phù hợp trong mọi hoàn cảnh để nắm bắt được những cơ hội tốt trong cuộc sống nhé!